Chào các bạn !
Trong giao tiếp hàng ngày thì đương nhiên bắt tay là một trong những cách giao tiếp thông thường nhất. Và bắt tay thường là với người mình không thân nhiều, chỉ mới gặp nhau lần đầu, hoặc thỉnh thoảng gặp một lần trong môi trường công việc… Bạn bè thân thì ít bắt tay, gặp nhau thì hay bá vai bá cổ. Chính vì vậy mà bắt tay là một trong những cách communication quan trọng, vì nó là cách mình nói với người lạ hay người chưa quen.
Người ta thường nói đến cách bắt tay chuẩn nhất là bắt bàn tay người kia một cách chắc chắn, giữ hai bàn tay của hai người là hai mặt phẳng thẳng đứng song song, và đưa lên đưa xuống nhè nhẹ 4 hay năm lần.
Người thì thẳng đứng, nhìn thẳng vào mắt người kia, mỉm cười.
Đó là chuẩn. Nếu các bạn chưa chắc ăn để làm cách nào khác, thì dựa vào cách chuẩn này.
Đương nhiên cách này có nguồn rất sâu trong văn hóa tây phương. Bắt tay là cách các chiến binh cư xử hòa bình với nhau. Ngày xưa các chiến binh thường cầm khiên tay trái và cầm kiếm tay phải. Bắt tay phải có nghĩa là kiếm đã được chuyển sang tay trái trong vị thế ngơi nghỉ, không đánh nhau. Người đứng thẳng vì đó là cách đứng hòa bình, không phải khom khom sửa soạn tấn công, nhưng đứng thẳng người cũng là cách đứng phòng thủ có thể chuyển động rất nhanh nếu bị tấn công bất ngờ. Mắt nhìn thẳng vào mắt người kia để tỏ thân thiện, nhưng cũng để ý chuyển động nếu thấy được ý đồ tấn công của đối phương. Nói chung, đó là cách bắt tay của con nhà võ (mà ngày nay ta vẫn thường thấy trên võ đài, dù trên võ đài thiên hạ thường bắt tay nhanh hơn, chạm tay là thả ra ngay).
Chuẩn bắt tay là thế, và sai chuẩn thì thường là sai, như:
1. Tìm mồi: Bắt tay mình mà mắt thì láo liên tìm người khác.
2. Hững hờ: Cái bắt không chặt, chẳng chuyển tải được gì ngoài hờ hững.
3. Duyệt binh: Bắt tay mà chẳng nói một câu, kiểu chính khách duyệt binh.
4. Cá chết: Bắt tay mà bàn tay xìu và không nhúc nhích, như cá chết.
5. Bệnh nhân: Bắt tay mà dáng đứng lòm khòm như đang bệnh sốt rét ngã nước, nhất là lại đi đôi với cá chết.
6. Đại lực sĩ: Bắt tay và xiết tay người ta như chứng tỏ thần lực bóp đá thành bột.
7. Thống trị: Bắt tay rồi nắm chặt tay người kia, rồi vặn tay để tay mình nằm dưới đưa bàn tay người kia nằm trên, nhất là lại đẩy tay người kia vào gần bụng người ta, như võ sĩ nhu thuật sắp ra đòn.
8. Giữ trộm: Bắt tay người ta rồi không chịu thả ra (nhất là các bàn tay êm ái của các cô )
Đó là các cách bắt tay lạc chuẩn rõ ràng. Nhưng còn ba cách bắt sau đây thì nhiều người cho là lạc chuẩn, nhưng mình thì cho là ba cách này thường được các master sử dụng:
1. Bắt đôi: tức là tay phải bắt tay người kia chắc chắn, và tay trái nắm cổ tay, hay bắp tay dưới, hay bắp tay trên, hay bả vai. Đây là cách bắt tay rất tốt, rất thân thiện, và rất gần gũi. Nhưng với người lạ thì thỉnh thoảng có người khó chịu vì quá thân thiện (trừ khi mình là người nổi tiếng ai cũng biết, thì làm thế thì ai cũng thích).
2. Tình nhân: Tay phải bắt tay, và tay trái úp lên cả hai bàn tay của hai người.
Cách này thường bị chê là tình nhân. Nhưng các master có thể làm rất tốt như: tổng thống diễn tả tình cảm với một góa phụ nghèo, hoặc sếp với nhân viên, hoặc khách hàng thân thiết… Đây là cách diễn tả yêu mến, kính phục rất hay.
Và nếu là người Á châu (như người Việt) thì có thể dùng trong rất nhiều cơ hội trên thương trường và chính trường quốc tế như là một cái bắt tay rất thân thiện, nhất là khi trong lòng mình rất thân thiện và tĩnh lặng.
Đây là cách bắt tay cho các master. Nhưng nếu chưa là master thì có thể thành rất vụng về.
3. Kính cẩn: Bắt bằng hai tay, người hơi cúi xuống một chút. Đây là cách bắt tay của những người đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh Hùng chẳng hạn. Những người có mức độ tâm linh rất cao thường bắt tay cách này. Gandhi chẳng hạn. Khi ta đã tiến tới mức độ khiêm tốn cùng cực rồi, thì tự nhiên ta thường dùng cách bắt tay này.
Nhưng người chưa đến mức có lẽ sẽ không muốn làm và không dám làm, nhất là trong môi trường kinh doanh thương mãi.
Trên đây là các kỹ thuật. Nhưng điều chính ta cần nhớ là: bắt tay làm một cách “nói chuyện” (truyền thông, communication) với nhau. Trái tim mình phải muốn nói điều gì thì cái tay mới đi theo điều đó được. Cho nên giữ trái tim yêu thương và tĩnh lặng, thì tự nhiên cái bắt tay của bạn sẽ nói được điều trái tim muốn nói.
Rõ ràng, bắt tay là cả một nghệ thuật, mà nếu quan sát, nghiền ngẫm, chúng ta sẽ có nhiều trải nghiệm và bài học thú vị.
Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học các khóa học về Giao tiếp – thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét